Bài viết

Điểm đến Phú Quốc

TỔNG QUAN PHÚ QUỐC

Phú Quốc hay còn gọi là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 593,05 km², xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km.

Vị trí địa lý
Vùng biển Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 574 km² (56.200 ha), dài 50 km, nơi rộng nhất (ở phía bắc đảo) 25 km. Điểm cao nhất tới 603 m (núi Chúa). Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ nam đến bắc với 99 ngọn núi đồi. Phần các vùng biển quanh đảo nông có độ sâu chưa đến 10 m. Tuy nhiên, cụm đảo nhỏ của cảng An Thới bị ngăn cách hẳn với phần mũi phía nam của đảo Phú Quốc bởi một eo biển có độ sâu tới hơn 60 m.
Các đơn vị hành chính trực thuộc, Phú Quốc được chia thành 8 xã, 2 thị trấn là:

1.Thị trấn Dương Đông
2.Thị trấn An Thới
3.Xã Dương Tơ
4.Xã Cửa Cạn
5.Xã Gành Dầu
6.Xã Cửa Dương
7.Xã Bãi Thơm
8.Xã Hòn Thơm
9.Xã Hàm Ninh
10.Xã Thổ Châu

Mã số điện thoại để gọi tới Phú Quốc: 077 (trong nước) hoặc +8477 (từ nước ngoài)
Nguồn gốc tên gọi

Tên gọi Phú Quốc do người Hoa đến đây lập nghiệp đặt, có nghĩa là “vùng đất giàu có”.

Theo dòng lịch sử

*Năm 1671, một người Hoa tên Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, phái đoàn Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, phái đoàn liền tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó nội bộ Chân Lạp có loạn. Mạc Cửu gặp Nặc Ông Thu (Ang Sur, Jayajettha III) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681.
*1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.

*Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán, tức người Khmer), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo). Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất giàu có).

*Năm 1708, Mạc Cửu liên lạc được với Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu.

*Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu.

*Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đổi tên thành Long Hồ dinh.

*Từ 1729, Long Hồ dinh nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan.

*Năm 1735, Mạc Cửu mất, con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ, được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi tên thành trấn Hà Tiên.

*Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (bắc Bạc Liêu).

*Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để được về Nam Vang cai trị. Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam), nói chung là toàn bộ vùng biển ven duyên quanh đảo Phú Quốc, Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Võ vương sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.

Dân cư

Trước năm 1975 dân số trên đảo chỉ hơn 5000 người. Sau năm 1975, dân số trên đảo tăng lên nhanh chóng do hiện tượng di dân. Đến năm 2003, theo thống kê của tỉnh Kiên Giang dân cư sinh sống trên đảo đã lên đến trên 79.800 người, với mật độ trung bình là 135 người/km², thấp hơn mật độ trung bình của cả nước 253 người/km².

Các khu dân cư chính:

*Thị trấn Dương Đông
*Thị trấn An Thới
*Xóm Hàm Ninh
*Xóm Cửa Cạn
*Hòn Thơm

Văn hóa, tôn giáo

Phú Quốc được xem là nơi phát tích của đạo Cao Đài. Ngày nay trên đảo có một thánh thất Cao Đài ở thị trấn Dương Đông.

Trên đảo có duy nhất một nhà thờ đạo Thiên chúa ở thị trấn An Thới, đó cũng là nơi trước đây tập trung dân di cư từ miền bắc vào năm 1954.

Ở đảo Phú Quốc, vào ngày rằm tháng 7 âm lịch người dân thường đi chùa tại thị trấn Dương Đông. Vào ngày này sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá nhộn nhịp.

Khí hậu – Thủy văn

Do vị trí đặc điểm của Đảo Phú Quốc nằm ở vĩ độ thấp lại lọt sâu vào vùng vịnh Thái Lan, xung quanh biển bao bọc nên thời tiết mát mẻ mang tính nhiệt đới gió mùa. Khí hậu chia hai mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau và mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 âm lịch đến tháng 10 âm lịch năm sau. Mùa khô: Đảo Phú Quốc chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc có cường độ tương đối mạnh, tốc độ gió trung bình 4 m/s. Khi gió Đông Bắc mạnh, tốc độ đạt từ 20 đến 24 m/s. Mùa khô có độ ẩm trung bình 78%. Nhiệt độ cao nhất 35 độ C vào tháng 4 và tháng 5. Mùa mưa: Đảo Phú Quốc là cửa ngõ đón gió mùa Tây – Tây Nam, tốc độ gió trung bình 4,5 m/s. Mùa mưa mây nhiều, độ ẩm cao, từ 85 đến 90%. Lượng mưa trung bình là 414 mm/tháng. (Cả năm trung bình là 3000 mm). Trong khu vực Bắc đảo có thể đạt 4000 mm/năm; có tháng mưa kéo dài 20 ngày liên tục.

KINH NGHIỆM DU LỊCH PHÚ QUỐC

Thời gian nào tốt nhất?
Mùa khô của Phú Quốc từ tháng 10 đến tháng 3 là mùa đẹp nhất, tuy nhiên vì mùa này là mùa cao điểm nên giá khách sạn, khu resort đều tăng. Bạn nên đặt phòng trước ít nhất một tháng để đảo bảo có phòng. Việc đặt trước vé máy bay cũng hoàn toàn cần thiết

Ở đâu?
Nhìn chung các khách sạn ở Phú Quốc không nhiêu nên ban sẽ không mất nhiều công sức để chọn cho mình một khách sạn vừa túi tiền.

Giá khách sạn ở Phú Quốc như thế nào?
Các khách sạn 2 sao giao động từ 250.000 VND/đêm đến 500.000 VND/đêm tùy loại phòng và tùy khách sạn. Các khách sạn, khu resort 3 sao thì giá phòng từ 650.000 VND/đêm đến 1.500.000 VND/đêm tùy loại phòng và tùy khách sạn. Nếu bạn có túi tiền rủng rỉnh thì các khách sạn và khu resort 4 sao sẽ là lựa chọn dành cho bạn, giá phòng giao động từ 90 USD/đêm đến 400 USD/đêm. Các khu resort 4 sao được đánh giá cao về chất lương dịch vụ và phòng ốc tiện nghi có thể nói đến như Khu Nghỉ Dưỡng La Veranda, Khu Nghỉ Dưỡng Sasco Blue Lagoon và Khu Nghỉ Dưỡng Làng Cổ Ven Biển (Long Beach Ancient Village) hay Chen La Resort & Spa

Du lịch hè Phú Quốc như thế nào?
Mùa du lịch hè Phú Quốc từ tháng 4 đến tháng 9, lượng khách từ khắp mọi nơi đến Phú Quốc khá đông, đây là mùa du lịch giá rẻ khi bạn đặt tour trọn gói. Có rất nhiều công ty du lịch tổ chức các tour trọn gói Phú Quốc 3 ngày 2 đêm, 4 ngày 3 đêm, … Tùy vào túi tiền mà bạn có thể chọn các gói tour với lựa chọn khác nhau về khách sạn 2 sao, 3 sao hay 4 sao. Bạn cũng nên đặt các dịch vụ liên quan trước ít nhất 1 tháng vì mùa này khả năng hết phòng và hết vé máy bay là chuyện bình thường

Lưu ý khi đặt tour trọn gói:
Điều bạn nên quan tâm khi đặt tour trọn gói là xem kỹ nội dung chương trình. Không phải nôi dung chương trình bao gồm càng nhiều điểm tham quan là càng thú vị. Thật ra đó chỉ là cỡi ngựa xem hoa. Bạn cũng nên kiểm tra kỹ với nhà tổ chức xem giá tour mà bạn phải trả là tour ghép hay tour riêng nếu như bạn không muốn kỳ nghỉ mát của mình lại bị nhồi nhét như cá mòi. Bạn cũng nên kiểm tra giá trị các bữa ăn bao gồm trong tour trọn gói nếu như bạn không muốn chúng bị cắt xén. Thêm nữa, đến với Phú Quốc là đến với biển – sẽ vô cùng thiếu sót nếu hành trình của bạn không bao gồm chương trình ra khơi, bạn nên chọn chương trình nào dành hẳn 1 ngày cho hoạt đông thú vị này nếu bạn là người yêu thích khám phá thế giới đại dương với lặn ngắm san hô hay câu cá trên biển

ĐẾN PHÚ QUỐC ĂN GÌ

Gỏi cá trích Phú Quốc
Trong sự phong phú về nguồn thực phẩm của biển và sự độc đáo của cách chế biến, từ lâu, gỏi cá trích đã trở thành là món ăn mang đậm hương vị của vùng biển đảo Phú Quốc được nhiều người ưa thích, bởi nó cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của con người. Món ăn dân dã này còn được xem là món ăn đặc sản của Phú Quốc, được nhiều thực khách biết đến. Điều này đã góp phần làm phong phú nét đẹp văn hóa ẩm thực biển đảo Phú Quốc.

Cá trích có rất nhiều ở vùng biển Phú Quốc và ngư dân có thể khai thác quanh năm. Vì thế, việc lựa chọn những con cá mới đánh bắt được còn tươi để làm gỏi là không mấy khó khăn. Đây cũng là lợi thế của biển đảo Phú Quốc và cũng là điều kiện thuận lợi để cho cư dân ở đây nghĩ ra cách chế biến gỏi cá trích.

Cá trích mang về cạo sạch vảy rồi rửa thật sạch, sau đó thái mỏng ra từng miếng một. Kế đến vắt lấy nước cốt chanh, ớt thái mỏng thành sợi, củ hành tây thái nhỏ rồi trộn đều lên cá trích đã thái sẵn. Bánh tráng, rau sống, dừa khô là những thứ không thể thiếu trong món ăn dân dã này. Rau thì luôn có trong các cánh rừng nguyên sinh của đảo, dừa thì được cư dân trồng rất nhiều, còn bánh tráng thì phải là bánh tráng do chính người dân Phú Quốc tự làm lấy vì bánh tráng ở đây có hương vị riêng biệt so với những nơi khác, vừa dày vừa dẻo lại vừa to. Do vậy, khi cuốn với gỏi cá trích, bánh tráng không bị bể và ăn rất ngon miệng. Đây cũng là nét đặc trưng của nghề làm bánh tráng ở Phú Quốc.
Nước chấm gỏi cá trích cũng rất đặc biệt, nó được làm từ ớt, tỏi và đậu phộng rang. Tất cả những thứ này được đâm nhuyễn rồi trộn lại với nhau , pha thêm nước mắm chính hiệu Phú Quốc sẽ tạo ra một hương vị vừa cay nồng, thơm lừng và khó quên khi chấm với gỏi cá trích. Do vậy, dân gian có câu:

Nước mắm ngon đem dầm con cá trích
Anh có vợ rồi đứng xích cho xa

Nét đặc biệt của cư dân Phú Quốc là khi ăn gỏi cá trích phải uống chút rượu sim, bởi cá trích có rất nhiều đạm và còn tươi sống, khi ăn gỏi cá dùng chút ít chất men để tốt cho tiêu hóa, đồng thời tạo nên sự hưng phấn, êm ấm bên gia đình sau những ngày ra khơi. Quây quần bên mâm bàn còn là dịp để cho các ngư dân hàn huyên tâm sự, trao đổi kinh nghiệm với nhau về việc đánh bắt hải sản và bàn tính chuyện ra khơi sắp tới.

Có thể nói, gỏi cá trích và rượu sim đã quyện chặt với nhau trong các bữa ăn gia đình trên đảo Phú Quốc mà khó có món ăn nào sánh được. Hơn nữa, sim thì có rất nhiều trong các cánh rừng của đảo Phú Quốc và cư dân ở đây cũng tự biết cách chế biến những quả sim chín này thành một thứ nước uống có hương vị rất đặc trưng, gần giống với rượu nho.
Từ món ăn dân dã của các ngư dân làng chài Phú Quốc, gỏi cá trích đã trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều thực khách. Không những thế, gỏi cá trích hiện đang chiếm lĩnh trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng sang trọng ở Phú Quốc. Sự lên ngôi của gỏi cá trích đã góp phần nâng cao nét đẹp vốn có của Phú Quốc trong cái nhìn của du khách. Điều này giúp cho Phú Quốc mở rộng vòng tay đón chào thực khách, bởi gỏi cá trích và rượu sim đi cùng với nước mắm danh tiếng của Phú Quốc sẽ tạo nên một thương hiệu khó quên mỗi khi đến thăm Phú Quốc – một hòn đảo ngọc của đất nước Việt Nam.

Rượu Sim Phú Quốc:
Rượu sim là một loại rượu đặc sản của Phú Quốc, Việt Nam. Mặc dù cây sim có ở nhiều nơi, nhưng sim ở Phú Quốc có những đặc điểm riêng. Ví dụ, sim ở Phú Quốc chín rộ vào dịp tháng giêng âm lịch, còn sim ở miền Bắc Việt Nam thì chín vào dịp tháng bảy.

Trái sim nguyên liệu đưa về rửa sạch, chọn quả chín xọng xay nhuyễn và ủ lên men với đường cát theo một tỷ lệ nhất định (còn được giữ bí mật để cho ra được sản phẩm tốt) trong môi trường hiếm khí từ 40 đến 45 ngày. Sau khi sản phẩm lên men hoàn chỉnh ta sẽ được một loại rượu màu hồng, uống có vị cay chua ngọt như rượu vang nho với nồng độ khoảng 11,5%.

Xin lưu ý những loại rượu sau không được coi là rượu sim: gồm sim tươi ngâm trực tiếp với rượu, cây sim (thân, rễ lá) ngâm rượu vì rượu sim truyền thống là loại rượu lên men tự nhiên từ trái sim.

Ở Phú Quốc có một số gia đình sản xuất rượu sim cung cấp cho thị trường khách du lịch ở đảo và được đăng ký nhãn hiệu chất lượng tại Sở Y tế tỉnh Kiên Giang như Rượu sim Thành Long, Rượu Sim Sơn.

Hiện nay ở đảo Phú Quốc đã sản xuất được loại rượu vang đỏ từ trái sim rừng kết hợp với một số trái cây khác có nồng độ 12-14% etanol, là loại rượu vang đỏ có màu rất tươi của trái sim, hoàn toàn tự nhiên, quy trình bí quyết công nghệ sản xuất được chuyển giao công nghệ từ Viện sinh học nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Viện khoa học Việt Nam chuyển giao cho cơ sở Thành Long – Phú Quốc.

Nấm Tràm Phú Quốc:
Loại nấm này có nhiều ở Phú Quốc và có thể làm món gà luộc xúp nấm hoặc chọn cá rựa, cá nhồng lấy thịt làm chả cá viên nấu với nấm thì phải biết… ngon tuyệt cú mèo!

Nấm tràm chỉ mọc sau những cơn mưa đầu mùa trong các rừng tràm. Lá và vỏ của cây tràm rơi rụng thành từng lớp của mùa trước đã bắt đầu biến thành lớp mùn là nơi để nấm tràm phát triển. Meo nấm được ấp ủ trong lớp mùn đất, sau loạt mưa đầu mùa, những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út bắt đầu vươn mình ra khỏi lớp vỏ và lá tràm bảo vệ nó từ mùa trước. Nấm tràm bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn tháng thì hết mùa.

Sau một, hai cơn mưa đầu mùa, những người sống bằng nghề hái nấm đã bắt đầu chuẩn bị thu hoạch nấm tràm. Họ vào rừng, thăm những khu vực để xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển, độ một tuần sau là có thể đến nơi có nấm để thu hoạch. Thường họ đi cả gia đình, cặm cụi hái cả ngày đến khi đầy giỏ mới ra về.

Rời rừng tràm, mang những bao nấm hái được, họ ghé ngang nhà của cư dân sống gần đó, chia lại vài con gà giò và sẵn mượn luôn nồi, bếp. Gà luộc vừa chín tới, cho một mớ nấm tươi mới hái đã chuẩn bị sẵn vào. Nồi nước luộc gà trở thành món xúp nấm chưa ăn đã thấy thèm. Cả đám xúm vào xé gà chấm muối ớt, nhai quên cả nói năng. Nhưng ngon nhất lại là những chén xúp nấm nóng hổi, những chiếc nấm vừa chín cho vào miệng cảm giác giòn, xốp, càng nhai càng thấy vị đắng nhân nhẩn cứ lan dần. Húp miếng nước xúp ngọt lừ mùi vị của nấm và thịt gà, lúc này vị của nấm mới thấy rõ, đắng nhưng thật thanh. Chính cái vị đắng này mà nhiều người đâm ghiền món nấm tràm. Họ ăn nấm nhưng không uống nước, để sau buổi ăn mới bày thêm bàn trà nhâm nhi như để tận hưởng thêm hương vị có một không hai của nấm tràm.

Ở Phú Quốc, nấm tràm được nấu với tôm, mực là một món ăn phổ thông, nhà nào tới mùa cũng có. Nhưng nếu chịu khó một tí, kiếm cá rựa hoặc cá nhồng lấy thịt làm chả cá viên nấu với nấm thì mới đúng là tuyệt cú mèo. Khi chuẩn bị ăn, đập vào nồi nước sôi mấy cái hột vịt như người miền Tây hay ăn chè đậu xanh cho trứng vịt, ăn kiểu này cũng là một gu đặc sắc của món nấm tràm.

Bánh Tét Mât Cật Phú Quốc:
Tham quan chợ Dương Đông – ngôi chợ lớn nhất của huyện đảo Phú Quốc – khách ngợp mắt trước đủ loại hàng hóa “nhập” từ đất liền hoặc từ các tàu biển. Nhưng thu hút khách phương xa nhất vẫn là những đòn bánh tét mật cật.

Ở Phú Quốc, người dân gói bánh tét bằng lá mật cật. Bánh dậy mầu xanh ngọc, nhân đậu ăn bùi, béo.

Mật cật là loại cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc đầy trên dãy núi Hàm Ninh. Người ta thường dùng lá mật cật để chằm nón lá. Nhưng ở Phú Quốc, lá chuối đâu phải hiếm nhưng chẳng biết can cớ gì lại dùng loại lá này gói bánh tét? Điểm độc đáo nữa của bánh tét mật cật là không gói thành đòn tròn mà gói thành đòn hình tam giác.

Để có đòn bánh này, trước tiên người ta phơi lá mật cật hơi héo, rửa và lau lá bằng dầu cho mềm thêm. Nếp gói bánh xanh ngọc bích và mùi thơm hấp dẫn. Đậu xanh cà nấu nhừ cùng dây thịt mỡ làm nhân. Gói đòn bánh tét mật cật là việc làm công phu vì mặt lá hẹp. Nhưng buộc dây sao cho đòn bánh không quá chặt hoặc quá lỏng đòi hỏi tay nghề cao.

Buộc chặt quá, có khi bánh sống hoặc khô. Buộc lỏng, bánh nong nước. Không ngon. Đặc biệt, bánh tét mật cật không xào nước cốt dừa nên để được lâu ngày. Đòn bánh lớn 10.000 đồng, đòn nhỏ 5.000 đồng.

Nước Mắm Phú Quốc:
Nước mắm Phú Quốc là loại nước mắm được sản xuất tại Phú Quốc, nó là một trong các loại nước mắm không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết ở nhiều nước trên khắp thế giới. Nước mắm Phú Quốc được sản xuất từ nguyên liệu chính là cá cơm Phú Quốc, có truyền thống trên 200 năm

Nước mắm Phú Quốc đã được công nhận tên gọi xuất xứ “nước mắm Phú Quốc” tại châu Âu.

Nước mắm được sản xuất trong những thùng gỗ lớn, nó đóng vai trò như là một thùng lên men trong ngành sản xuất rượu bia nhưng thời gian lên men dài hơn, có khi đến 1 năm. Trước kia thùng đựng nước mắm thường làm bằng cây bời lời vì cây này mềm nên khi niền không có chỗ hở, hiện nay loại cây này khó kiếm nên người ta dùng vên vên và chai. Thùng được niền bằng song mây có nhiều ở núi Ông Tám và Bắc Đảo.

Bất cứ loại cá nào cũng có thể sử dụng để làm nước mắm, nhưng người sản xuất nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng duy nhất loại cá cơm làm nguyên liệu. Cá cơm có nhiều loại: Sọc Tiêu, Phấn Chì, Cơm Đỏ, Cơm Lép, Sọc Phấn, Cơm Than. Loại cá cơm cho nước mắm ngon nhất là Sọc Tiêu và Cơm Than. Người ta trộn 2 hay 3 phần cá với 1 phần muối rồi để đến 1 năm, càng để lâu hàm lượng đạm càng cao nhưng nước mắm ít thơm và màu bị sậm hơn. Người ta còn chôn nước mắm vài ba năm, lúc đó màu nước mắm thành đen gọi là nước mắm lú, dùng để chữa bịnh. Nếu dùng cá ươn thời gian sẽ mau hơn nhưng nước mắm không thơm và màu không đẹp.

Hồ Tiêu Phú Quốc:

Hồ tiêu Phú Quốc là một loại gia vị được coi là đặc sản của huyện đảo Phú Quốc thuộc Tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.
Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng, và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ. Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín riêng thành 3 loại (tiêu sọ, tiêu đen và tiêu đỏ).