Bài viết

Điểm qua những sự kiện hấp dẫn trong tháng 02

Bên cạnh Tết Cổ truyền mang ý nghĩa của sự đoàn viên, sum họp và gặp gỡ hân hoan cùng với nồi bánh chưng, bánh tét, làm mứt Tết, đi tảo mộ, thăm họ hàng,… Tháng 02 này cũng có rất nhiều sự kiện văn hoá với những lễ hội mang tính cổ truyền ở trong nước cũng như quốc tế không kém phần đặc sắc. Hãy cùng Opearl Events điểm qua những sự kiện này nhé!

1. Rằm tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Ngày này còn được coi là “Tết muộn” vì diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán. Vào dịp này, các gia đình không may có người thân bị ốm hay đi vắng vào đúng dịp năm mới có cơ hội được về đoàn tụ cũng gia đình. Ngày Rằm tháng Giêng, người Việt thường đi chùa lễ Phật hoặc các đền miếu, di tích lịch sử để cầu bình an, tốt lành cho bản thân và gia đình. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình cùng chuẩn bị mâm cơm cúng, đứng trước bàn thờ tổ tiên nhớ về công đức của các bậc sinh thành, nhớ về nguồn cội. Tuỳ vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mà mỗi gia đình, vùng miền có mâm cỗ cúng khác nhau, nhưng tựu chung lại đều thể hiện lòng tấm lòng thành kính đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên.

Theo phong tục truyền thống, trước đây vào đêm 15.1 âm lịch (đêm Rằm tháng Giêng), nơi đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ và thực hiện các nghi lễ cúng Rằm. Mặc dù hiện nay đã hạn chế rất nhiều, nhưng phong tục đêm Rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá truyền thống mang đậm chất thơ của dân tộc.

2. Ngày lễ Valentine (14/2)

Ngày Valentine (tên tiếng Anh là Valentine’s Day, Saint Valentine’s Day) còn được gọi là ngày lễ tình yêu, ngày lễ tình nhân, được đặt tên theo Thánh Valentine – một trong những vị Thánh tử vì đạo Kitô giáo đầu tiên. Ngày lễ Valentine trước kia phổ biến tại Bắc Mỹ và Châu Âu nhưng ngày nay đã phổ biến gần như ở mọi quốc gia.

Valentine không chỉ có 1 ngày 14 tháng 2 mà hiện nay chúng ta có đến 3 ngày Valentine trong 1 năm, gồm: Valentine Đỏ (14/2), Valentine Trắng (14/3) và Valentine Đen (14/4). Trong đó Valentine Đỏ và Valentine Trắng là ngày dành cho các cặp tình nhân, còn ngày Valentine Đen được tổ chức cho những người còn đang độc thân.

Valentine là dịp để các cặp đôi bày tỏ tình cảm, những ai chưa có người yêu có thể thổ lộ với đối phương. Mặc dù mỗi đất nước có cách đón Valentine khác nhau nhưng nhìn chung, đa số đều tặng cho nhau chocolate, hoa hồng đỏ, thiệp… Ở thời hiện đại, những món quà trong dịp lễ Valentine đã đa dạng hơn nhưng hầu như không thể thiếu socola và hoa hồng.

Socola tượng trưng cho những cung bậc cảm xúc yêu ghét, ngọt ngào, đắng chát… trong tình yêu nhưng cũng giống với chocolate, ai cũng muốn được trải nghiệm những cảm xúc trong tình yêu dù nó có ra sao đi chăng nữa. Trong khi đó, hoa hồng lại là biểu tượng của thần Venus – nữ thần tượng trưng cho sắc đẹp, tình yêu trong thần thoại La Mã và màu đỏ là màu thể hiện cho tình yêu mãnh liệt.

3. Lễ hội Chùa Hương

Lễ hội Chùa Hương Hà Nội thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức và là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn ở miền Bắc đặc biệt là dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội chùa Hương diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch thu hút rất nhiều phật tử và khách du lịch trong nước lẫn quốc tế.

Thời gian khai hội chùa Hương vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm, ngày này vốn là ngày mở cửa rừng, của người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

Khi đến tham quan chùa Hương, du khách còn được hòa mình vào những hoạt động văn hóa, lễ hội tại nơi đây. Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn…

4. Lễ hội mừng Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc

Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc được tổ chức vào tháng 2 hàng năm nhằm kỷ niệm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334-2014) và tôn vinh công đức to lớn của thiền phái phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời quảng bá các giá trị của khu di tích quốc gia Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc là lễ hội lớn của tỉnh Hải Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội hằng năm được tổ chức từ ngày 10 – 23 tháng giêng âm lịch với các nghi lễ chính như: khai hội, lễ tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, cùng các hoạt động hội như thi gói bánh chưng, bánh dày, liên hoan pháo đất, giải vật dân tộc, giải cờ tướng…

5. Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)

Non thiêng Yên Tử luôn là điểm đến lý tưởng để du khách hành hương viếng Phật mỗi độ xuân về. Hàng năm, Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân. Lễ khai hội sẽ có các hoạt động, như: Lễ cầu quốc thái, dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử, biểu diễn múa lân và các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian,…Sau phần nghi lễ long trọng được chính quyền địa phương tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với đỉnh cao nhất của Yên Tử-chùa Ðông. Ðường lên đỉnh Yên Tử uốn lượn, gập ghềnh, luồn dưới những bóng cây đại thụ, xuyên qua những vạt rừng thông, trúc…

Về với cõi thiêng Yên Tử, du khách không chỉ được vãn cảnh, cầu an mà còn được cùng dâng hương tưởng niệm vua Trần Nhân Tông, vị anh hùng dân tộc và cảm nhận sự bình yên, linh thiêng nơi cõi phật.

 

 

ĐIỂM DANH CÁC SỰ KIỆN TẾT HOT NHẤT NĂM 2023

Tại khu vực Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra nhiều hoạt động để chào đón năm mới 2023. Hãy cùng Opearl Events điểm qua những sự kiện hot nhất nhé! 

Ngày 05/01, Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 được Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã khai mạc và kéo dài các hoạt động đa dạng, đặc sắc đến hết ngày 26-1. Đây là hoạt động thường niên được tổ chức suốt 16 năm qua mỗi dịp Xuân về. 

Lễ hội Tết Việt năm nay có chủ đề “Thành phố tôi yêu” với nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra như phố ông đồ; không gian vườn mai ngày Tết; các chương trình nghệ thuật; các hoạt động chăm lo tết, các sự kiện tình nguyện… 

Tại khu vực Hà Nội, sẽ có tổng số 30 điểm bắn với 31 trận địa, trong đó 4 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và hoa thuật, 3 trận địa bắn pháo hóa tầm cao kết hợp tầm thấp và 24 trận địa bắn pháo hoa tầm thấp.  

Chợ hoa Tết, từ lâu đã trở thành một trong những nét đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Người đi chợ hoa không chỉ để chọn một cành đào, chậu mai mà còn là dịp tìm những phút giây thư thái trong tâm hồn, hi vọng về một mùa xuân đầm ấp, hạnh phúc và cùng nhau chào đón năm mới an khang, thịnh vượng. Hà Nội nổi tiếng là đất trồng hoa với những làng hoa trứ danh như Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá… Các chợ hoa ở Hà Nội bắt đầu họp từ trước Tết 7-10 ngày với sự đa dạng, phong phú về chủng loại. Dạo một vòng quanh chợ hoa, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cành đào Nhật Tân phơn phớt hồng, nụ tầm xuân e ấp, hoa mai, hải đường trắng muốt hay các chậu quất cảnh say quả, bó hoa ly, lay ơn, violet, salem được chăm chút khéo léo. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bầu không khí vui tươi ở các chợ hoa công viên Tao Đàn, công viên 23/9, Công viên Lê Văn Tám, công viên Gia Định…bạn sẽ cảm nhận một sức sống đang căng tràn khắp nơi. 

Ngoài ra, việc tưởng niệm các vị vua Hùng cũng được chú trọng, Ngày hội bánh Tét sẽ được diễn ra tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử – Văn hoá Dân tộc. Tại đây còn có nhiều hoạt động như tổ chức gói bánh Tét, trưng bày bánh Tét. 

Lễ dâng cúng bánh Tét lên Quốc Tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được tổ chức vào ngày 18/1/2023 tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng, Đền thờ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Công viên Lịch sử – Văn hoá Dân tộc. 

Tưng bừng hơn nữa, các chương trình ca múa nhạc, biểu diễn nghệ thuật cũng được tổ chức với những chủ đề như Giai điệu mùa xuân, Sống rất xuân, Bước chân mùa xuân,…